Đoàn 589 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình thành lập từ năm 1989 với mục đích tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh ở Lào. Trước năm 1999 đoàn chủ yếu khảo sát địa hình địa vật nơi có bộ đội hy sinh. Từ năm 1999 đến nay, Đoàn 589 cất bốc được 1.754 hài cốt liệt sĩ từ Lào về Việt Nam. Thượng Tá Trần Quang Lộc, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 589 đã dành riêng cho Báo SGGP câu chuyện đi tìm đồng đội thấm đẫm nhân văn.
Giấc mơ giải mã bế tắc
Thượng tá Trần Quang Lộc, hiện chuyển về làm dân vận thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Trước đó, ông đã có 8 năm gắn bó với chức danh đoàn phó 589, rồi đoàn trưởng. Mùa khô năm 1999 ông bắt đầu cùng đồng đội cơm đùm gạo bới sang tỉnh Khăm Muộn-Lào tìm đồng đội.
Nước Lào vốn trùng điệp núi rừng, sau nhiều thập kỷ chiến tranh cây cối đã bạt ngàn, chứng tích cuộc chiến trở thành di sản nhưng ngày càng phai mờ theo thời gian. Người dân Lào tốt bụng chỉ vẽ đường đi lối lại, tuy nhiên người biết bộ đội Việt Nam hy sinh ở đâu, chôn cất ở đâu, ngày một hiếm dần vì người già dần mất đi.
Thượng tá Lộc kể rằng: “Một lần vào bản Na Bò, huyện Nhombalat, tỉnh Khăm Muộn, dân bản thông tin, khu vực thung lũng trước bản có hai ngôi mộ của bộ đội Việt Nam. Chúng tôi ở lại, đào tìm hơn hai tháng trời nhưng không có. Cuối cùng quyết định hành quân trở ra. Nhưng rồi cả đoàn quyết định ở lại, đào tiếp, hôm sau phát hiện hai bộ hài cốt.
Mọi chuyện mới tốt đẹp. Rồi một lần, dân bản Na Muồng, huyện Hin Bun-Khăm Muộn, bảo trong bản có một ngôi mộ của liệt sĩ Ba. Tuy nhiên người biết vị trí ngôi mộ đã qua đời, người ta chỉ truyền miệng lại là ngôi mộ nằm dưới gốc cây khò, mà cây khò ở đây nhiều vô kể. Chúng tôi đào mãi từ gốc cây khò này qua gốc cây khò khác nhưng không tìm thấy. Đào hàng tháng trời không hiệu quả gì, trong thâm tâm tôi nghĩ đến việc rút lui. Nhưng hôm sau không ngờ có một người già xuất hiện, cụ vốn gốc gác ở bản, di cư qua tỉnh Bôlykhămxay sinh sống, hôm đó về thăm quê, mọi người hỏi, cụ xác nhận và nói không phải ở mấy cây khò trong bản mà là bên gốc cây khò giữa ruộng.
Chúng tôi đào ba nhát cuốc thì xương đùi bật lên, đào tiếp thì cất bốc được hài cốt liệt sĩ Ba. Hết bản Na Muồng, đoàn hành quân qua bản Noọng Xay, dân bản chỉ nghĩa trang của bộ đội Việt Nam ở trên núi. Thế là mọi người vào tìm kiếm. Lúc đặt nhát cuốc đầu tiên, tôi thấy điều lạ, cái nghĩa trang này đã được cất bốc vì đất có nhiều vũng trũng. Mọi người quyết định không tìm kiếm, sáng mai lên đường đi địa phương khác. Nhưng sáng hôm sau, anh em trong đoàn quyết định ở lại, đào xới nơi chưa có dấu hiệu đào, một hài cốt liệt sĩ được cất bốc, theo đoàn lên xe trở về quê hương”.
Hang Khẳm Cặng: Nấm mồ của gần 200 liệt sĩ
Công việc quy tập hài cốt liệt sĩ của Đoàn 589 rất vất vả, phải trèo đèo, lội suối và thường vướng phải sốt rét. |
Được người dân Khăm Muộn thông báo trong hang Khẳm Cặng có nhiều hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Thời gian đó vào năm 2000, Thượng tá Trần Quang Lộc hoạt động ở vùng khác nhưng ông rất trằn trọc nỗi niềm làm sao tiếp cận được các anh để đưa về đất mẹ. Ông nhiều lần xác định lại nguồn tin, đề nghị phía bạn giúp đỡ, mỗi năm qua Lào làm nhiệm vụ, ngoài công việc được giao ra, ông vẫn thu thập tài liệu về hang Khẳm Cặng tại bản Phạ Nang, huyện Mahaxay, tỉnh Khăm Muộn.
Mùa khô năm 2004-2005 với tư cách Đoàn trưởng Đoàn 589, ông đã cùng đồng đội khăn gói trở lại đất nước Lào, nơi có vô số làn điệu dân ca của các bộ tộc Lào bất hủ. Chuyến đi này với mục đích khai quật hang Khẳm Cặng để giải mã thông tin thu thập được. Cuộc tìm kiếm giữa rừng sâu núi thẳm, trong hang đá bắt đầu. Khi chuyến tìm kiếm bước qua ngày thứ hai thấy chưa có khả năng thành công, ông bắt đầu hoài nghi thông tin, nhưng một người Lào bản địa đã chỉ rõ, thời chống Mỹ, hang Khẳm Cặng bị đánh phá ác liệt, một buổi chiều máy bay trút bom như nước đã làm sập trần hang, vùi lấp rất nhiều bộ đội Việt Nam trong đó.
Niềm tin được khẳng định thêm, Thượng tá Lộc quyết định chuyển hướng tìm kiếm từ nền đất sang đào sâu dưới các hòn đá tảng. Mấy nhát đào đầu tiên phát hiện hài cốt, tiếp đó phát hiện quân trang, quân cụ, tiếp nữa là rất nhiều bộ hài cốt còn nguyên hình nguyên xương. Đoàn 589 khi khai quật hang Khẳm Cặng phải đào đá, những hòn đá tảng nặng hàng tấn đè lên thân xác đồng đội, trong điều kiện dụng cụ thô sơ, thiếu thốn, họ rất vất vả khi xoay chuyển tư thế, phải đào hình hàm ếch mới đưa được hài cốt đồng đội ra khỏi muôn vàn khối đá nặng trịch đè lên thân thể liệt sĩ mấy chục năm qua.
Tổng kết cuộc khai quật hang Khẳm Cặng, Đoàn 589 cất bốc được 185 bộ hài cốt liệt sĩ. Sau khi hài cốt được cất bốc, chính phủ Lào cho xây dựng tượng đài tưởng niệm các anh hùng hy sinh trong hang Khẳm Cặng như biểu tượng đời đời ghi lại tình hữu nghị gắn bó sắt son.
Cái buồn Cà Xen và nỗi niềm Cuôn Xà Nạp
Thượng tá Trần Quang Lộc thổ lộ, trong cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gian khổ này, có những lúc niềm vui lan đến mọi người nhưng cũng có khi cái buồn ẩn nghẹn cả mấy tháng đến hàng năm trời. Cái buồn ở hang Cà Xen trên đường 28A, tỉnh Khăm Muộn là một điển hình. Người ta bảo với ông, có 16 người hy sinh trong đó, cửa hang đã bị đánh sập.
Lúc đoàn đến, cảnh tượng trong hang đã bị đào bới lung tung. Dân bản nói hang bị cày xới do một nhóm người đào tìm phế liệu. Họ đào tơi tả để lấy đi quân trang, quân dụng, lấy xoong nồi bằng nhôm, để lại vương vãi muôn vàn mảnh xương liệt sĩ tung tóe khắp nơi. Thượng tá Lộc lúc đó vừa làm vừa khóc nghẹn, anh em cũng nước mắt đầm đìa vì đồng đội hy sinh rồi cũng không được yên... 16 bộ hài cốt trong hang Cà Xen được ông và binh sĩ đoàn 589 cẩn trọng thu lượm tỉ mỉ, cố không bỏ sót một mẩu xương nhỏ nào như cách chăm sóc chu đáo nhất để đưa các anh cùng về quê hương.
Hiện tại, tuy đã chuyển sang lĩnh vực khác nhưng Thượng tá Lộc vẫn đau đáu nỗi niềm là sau này, bất cứ lúc nào có cơ hội, ông sẽ trở lại nước bạn Lào, đến với hang Cuôn Xà Nạp, bản Văng Khôn, tỉnh Khăm Muộn. Ở đó ông đã nắm chắc nguồn tin, có một đại đội hy sinh trong hang, khoảng hơn 100 người. Tâm sự với tôi, Thượng tá Lộc cứ đau đáu khôn nguôi mong một ngày nào đó chính tay ông phải đưa được các anh trong hang đá Cuôn Xà Nạp cùng về Tổ quốc.
Minh Phong
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2007/7/111465/
No comments:
Post a Comment