> Cầu truyền hình trực tiếp 'Âm vang Trường Sơn'
Nhà báo Ngô Thanh phỏng vấn khách mời tại điểm cầu Hà Nội - Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyen Nguyen.
Đây không phải là câu chuyện đặc biệt nhất. Khán giả xem “Âm vang Trường Sơn” còn được nghe những dung dị, chân thật được thuật lại từ những nhân chứng lịch sử. Sư Thích Đàm Đoán, người nữ thanh niên xung phong năm xưa với di chứng còn lại của chiến tranh: một cơ thể nhiễm chất độc dioxin và mảnh đạn trong đầu. Không ít lần sư Đoán bị lên cơn co giật, cách đây không lâu, bà bị ngất xỉu do vết thương tái phát khi lên bục nhận quà nhân ngày bộ đội Trường Sơn. Cô Phạm Thị Phàn, thành viên tiểu đội nữ lái ôtô Trường Sơn, thời con gái chỉ nặng 42 cân, phải đệm hai chiếc bi đông nước sau lưng mới với tới được chân ga, chân phanh. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Trọng Khoát làm thơ trên đường khiêng võng người bạn gái bị thương tới trạm xá với những câu thấm đẫm tâm trạng đau đớn: “Trời khô đường nắng chang chang / Võng thưa máu giọt ấm bàn chân anh / Lối vào trạm xá loanh quanh / Em ơi đừng vĩnh biệt anh dọc đường” sau được đựng trong lọ Penicillin chôn cùng mộ liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ. Trải qua hàng mấy chục năm, có người nhặt được ở cửa sông đã tìm đến tận nhà đưa cho ông…
Ca sĩ Lan Anh - Tấn Minh trong "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây". Ảnh: Nguyen Nguyen.
Bà Nguyễn Thị Nhài, nữ thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa, không khỏi bùi ngùi khi theo dõi chương trình: “Tôi như sống lại những năm tháng bi hùng của dân tộc, nhớ về những người bạn tôi quen, những người đồng chí tôi chưa từng biết mặt đã ngã xuống trên cánh rừng đại ngàn. Con cháu tôi không trải qua giai đoạn lịch sử này nhưng cũng không cầm nổi nước mắt khi xem clip Đồng đội ơi do ca sĩ Tấn Minh hát với sự có mặt của 50 cựu chiến binh thắp 500 ngọn nến tưởng nhớ đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn trong phần cuối chương trình”.
Để thực hiện một cầu truyền hình lấy được nước mắt người xem, thu hút khán giả trẻ, Đài Truyền hình Hà Nội đã huy động một lượng lớn nhân lực, vật lực tại năm điểm cầu: Hà Nội - Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Hà Đông); Quảng Trị - sân bay Tà Cơn (Khe Sanh, Hướng Hoá); Bình Phước - Nhà giao tế huyện Lộc Ninh; Kon Tum - ngã ba Đông Dương (huyện Ngọc Hồi); Savanakhet - Buôn Latho (Lào). Áp lực của những người làm chương trình rất lớn do “Âm vang Trường Sơn” chung chủ đề nhưng thực hiện sau Đài Truyền hình Việt Nam 1 tháng, không tránh khỏi việc khán giả lấy chương trình của VTV làm tham chiếu. Chương trình VTV thực hiện tại một điểm cầu với sân khấu hoành tráng, trong khi Đài Hà Nội gồng mình với bốn điểm cầu trong nước và một điểm cầu tại nước bạn Lào, sử dụng bối cảnh thực và luân chuyển liên tục. "Đây là cầu truyền hình đầu tiên do Đài thực hiện có sự kết nối với một điểm cầu ở nước ngoài", ông Trần Gia Thái - Giám đốc, Tổng biên tập Đài truyền hình Hà Nội, người chỉ đạo nội dung chương trình - cho biết.
Kinh phí thực hiện chương trình chỉ hơn 1 tỷ đồng, ngoài dàn dựng, chủ yếu để trả cho những đài bạn cùng hợp tác còn nhân viên đài cố gắng "bóp mồm bóp miệng". Riêng để viết kịch bản cho chương trình này, nhà báo Ngô Thanh đã dành 27 ngày rong ruổi dọc Trường Sơn, đi tổng quãng đường dài 7.000 cây số. Bà Trịnh Phương Mai, Trưởng ban Thể thao - Giải trí Đài Hà Nội, thốt lên rằng: “Chưa bao giờ Đài làm một chương trình nào khó khăn như thế”.
Trong quá trình làm "Âm vang Trường Sơn", những người thực hiện đều tâm niệm đây là chương trình tưởng niệm công ơn các chiến sĩ Trường Sơn và tin linh hồn những người lính ngã xuống nơi đây đã phù hộ cho họ. Khi điểm cầu Kon Tum - ngã ba Đông Dương chuẩn bị lên sóng thì trời đổ mưa như trút. Biên tập viên vào đài tưởng niệm Play-cần thắp hương, chưa khấn xong thì trời tạnh. Một tin vui nữa cho các biên tập viên Đài Hà Nội: Sáng 18/5, một người phụ nữ gọi điện đến Đài thông báo là người nhà của liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ, xin số của bác Nguyễn Trọng Khoát để báo với bác, gia đình đã tìm được mộ chị. Đây là niềm vui đến chỉ sau một đêm khi vị đại tá, nhà thơ lên truyền hình kể câu chuyện về người đồng đội và cho biết: “Điều ân hận lớn nhất đời tôi là không tìm được mộ cho Huệ”.
Ngọc Trần
Nguồn: VnExpress (Thứ ba, 19/5/2009, 14:21 GMT+7)
Phóng viên Ngọc Trần (tên thật là Trâm) cho biết: Thông tin tìm được mộ do anh Ngô Thanh Đài TH Hà Nội cung cấp. Anh Ngô Thanh nói là có thể nhầm lẫn tên liệt sĩ. Theo anh Ngô Thanh, người gọi điện đến đài truyền hình Hà Nội xin số điện thoại của ông Trọng Khoát và nói gia đình đã tìm được mộ (đây là chỗ có thể có nhầm lẫn tên liệt sĩ - theo anh Ngô Thanh). Ông Trọng Khoát nói: có người gọi đến cho ông sau chương trình này nhưng không nói gì đến chuyện tìm được mộ. Người gọi đến chỉ hỏi thăm, chúc mừng ông Khoát lên chương trình, nhận là bạn học cùng bà Huệ ở trường Hoa Lư và cùng đi thanh niên xung phong.
Đúng là tam sao thất bản!
Đến 12h44 ngày 1/6/2009 VnExpress đã bỏ đoạn bôi đỏ đi sau khi có thông tin phản hồi từ gia đình LS Phạm Thị Ngọc Huệ (chưa tìm được mộ).
No comments:
Post a Comment