Saturday, July 25, 2009

Tìm thông tin liệt sĩ qua điện thoại

Sáng 26/7, Trung tâm Marin và các chuyên gia về xét nghiệm ADN, cựu chiến binh sẽ tư vấn trực tuyến các thông tin liên quan đến tìm liệt sĩ.

Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Những người tham gia tư vấn bao gồm các chuyên gia về xét nghiệm ADN, các cựu chiến binh từng chiến đấu tại các chiến trường B2, B4...

Các chuyên gia này sẽ hướng dẫn thông tin tìm liệt sĩ, các phương pháp và trình tự thực hiện, giải mã phiên hiệu đơn vị, cung cấp địa chỉ, số điện thoại các Bộ chỉ huy quân sự, các khu vực và địa danh quy tập theo từng đội quy tập.

Ngoài ra, các chuyên gia sẽ tư vấn những thủ tục xét nghiệm ADN, cách thức lấy mẫu hài cốt, thủ tục, chế độ thăm viếng và di chuyển hài cốt và những thủ tục cấp lại bằng tổ quốc ghi công qua điện thoại hoặc trực tuyến qua Internet.

Thời gian tư vấn trực tuyến từ 8h đến 17h. Thân nhân liệt sĩ có thể tham gia bằng 2 cách: gọi điện thoại đến số 04.38585984; 0918232405 hoặc qua yahoo messager: ID: ngothuyhang76; lietsivietnam.

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/07/3BA11A76/

Trung tâm Marin

1.

hai_chau: Xin chao chi Hang
hai_chau: vo toi có cô ruột là liệt sĩ
ngo thuy hang: Xin cho biết
1. Họ tên
2. Nơi hiện đang sinh sống
3. Điện thoại hoặc email liên hệ
4. Vấn đề cần hỏi

hai_chau: ...
hai_chau: ..
hai_chau: ...
hai_chau: ...
hai_chau: vợ tôi có cô ruột là liệt sĩ hy sinh năm 1968
hai_chau: chưa tìm thấy mộ
hai_chau: nơi hy sinh: Đèo Phú khao, tỉnh Khăm Muộn, Lào
hai_chau: xin được tư vấn cách tìm mộ
hai_chau: Chi tiết về trường hợp hy sinh chúng tôi có ghi chép lại tại đây: http://lietsi.blogspot.com/


Hide Recent Messages (F3)

ngo thuy hang: Day la dia ban quy tap cua tinh Quanh Binh
ngo thuy hang: nen gia dinh can lien he qua Quang Binh
hai_chau: vang
hai_chau: nhu vay toi can lien lac qua dia chi nao a
ngo thuy hang: anh doi chut
ngo thuy hang: 0523.822.215
ngo thuy hang: cam them thong tin gi anh co the lien he qua mail
ngo thuy hang: ngothuyhang@gmail.com
ngo thuy hang: nhantimdongdoi.org@gmail.com
hai_chau: Day là so dien thoai cua co quan nao o Quang Binh a?
ngo thuy hang: Bo chi huy quan su tinh Quang Binh
hai_chau: vang
ngo thuy hang: anh cu lien he
ngo thuy hang: can gi gui qua mail sau
ngo thuy hang: chung toi se tu van va ho tro them
hai_chau: Xin chi cho biet ten co quan cua chi?
ngo thuy hang: Trung tam quan ly du lieu ve liet s va nguoi co cong
ngo thuy hang: Marin
ngo thuy hang: day la rto chuc phi chinh phu
ngo thuy hang: hoat dong tu nguyen
hai_chau: vang,
ngo thuy hang is typing a message.
hai_chau: Chi cho xin dia chi nua. Neu toi muon den trung tam co duoc khong a?
ngo thuy hang: duoc
ngo thuy hang: chung to tu van vao sang thu 3, thu 5, thu 7
ngo thuy hang: buoi sang
hai_chau: vang nhung toi chua biet dia chi trung tam
hai_chau: tren bao vnexpress khong dang dia chi cua trung tam
ngo thuy hang: phong 401, nha A1, TT Bo cong an - 102 Nguyen Huy Tuong, Thanh Xuan, Ha Noi
ngo thuy hang: da
hai_chau: cam on chi
hai_chau: chao chi
ngo thuy hang: kg co gi
ngo thuy hang is typing a message.
ngo thuy hang: can them thong tin anh lien he sau

2.

hai_chau: xin chao anh./chi
lietsivietnam: xin chào bạn
lietsivietnam: bạn muốn tư vấn tìm liệt sĩ phải không ah
hai_chau: ...
hai_chau: ...
hai_chau: ...
hai_chau: ...
hai_chau: vợ tôi có cô ruột là liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ hy sinh năm 1968
hai_chau: chưa tìm thấy mộ
hai_chau: nơi hy sinh: Đèo Phú khao, tỉnh Khăm Muộn, Lào
hai_chau: xin được tư vấn cách tìm mộ
hai_chau: Chi tiết về trường hợp hy sinh chúng tôi có ghi chép lại tại đây: http://lietsi.blogspot.com/
hai_chau: anh/chi con o day khong a
lietsivietnam: vâng
lietsivietnam: bạn chờ chúng tôi 1 chút
hai_chau: vâng
lietsivietnam: xin lỗi, để bạn chờ lâu
lietsivietnam: bạn có thể liên lạc với
lietsivietnam: bộ chỉ huy quân sự tỉnh quảng bình
lietsivietnam: số điện thoại là 052 38 21 621
hai_chau: vang
lietsivietnam is typing a message.
lietsivietnam: để hỏi địa điểm Khăm Muộn đã được quy tập hay chưa và quy tập về đâu
hai_chau: vang

Tuesday, June 23, 2009

Chúng tôi làm báo Trường Sơn

21/06/2009 08:05
(HNM) - Trong cuốn "La Piste Hồ Chí Minh" (Đường mòn Hồ Chí Minh), tác giả Vangeirt đã gọi đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường dẫn đến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là "đường mòn".

Những cô gái mở đường.


Hình dáng ban đầu của nó đúng là đường mòn, thậm chí không có cả lối mòn vì trong chiến tranh bí mật các chiến sĩ vận tải phải tuân thủ nghiêm ngặt "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Nhưng khi con đường mòn ấy phát triển thành hệ thống đường giao thông cơ giới dài hàng nghìn kilômét với cả chục nghìn chiếc xe vận tải ngày ngày nối đuôi nhau ra tiền tuyến, được coi là một mặt trận trên tuyến đầu chống Mỹ, thì cần phải có một tờ báo phục vụ tại chỗ...


Đó là vào năm 1967, một tờ báo (thực chất là bản tin nội bộ) của bộ đội Đoàn 559 ra đời, mang tên "Trường Sơn gang thép", được in rô-nê-ô số lượng 500-700 bản chuyển đến từng đại đội và trung đội độc lập. Ban biên tập gồm có: Trung úy Cao Cân (phụ trách), tôi (HKĐ), Vĩnh Phúc (họa sĩ tự học) và cô gái trẻ xinh đẹp người Ninh Bình Phạm Thị Ngọc Huệ, từng thi đỗ đại học nhưng tình nguyện vào chiến trường (lính Trường Sơn phong cô là "Hoa hậu Trường Sơn"). Cả bốn người đều chưa qua đào tạo chính quy nghiệp vụ báo chí. Riêng tôi thuận lợi hơn nhờ đã viết một số bài đăng trên vài tờ báo Trung ương từ ngày còn học cấp II trường huyện. "Vốn liếng" eo hẹp vậy, nhưng thật bất ngờ khi báo "Trường Sơn gang thép" ra số đầu tiên đã phát hành đến các đơn vị trên toàn tuyến, có mặt tại các đơn vị xe, trận địa pháo, trạm giao liên, đến với bộ đội, thanh niên xung phong tại các trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Tòa soạn liên tiếp nhận được điện thoại hoan nghênh, khen ngợi...

Tờ báo được bộ đội, thanh niên xung phong chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát nhưng vẫn được lưu giữ trong cốp xe, trong ba lô để những lúc nghỉ ngơi mang ra đọc đi đọc lại. Có lẽ vì ở chiến trường thiếu đủ thứ: thiếu chè thuốc, thiếu thư của gia đình, nhất là thư người yêu (vốn là "của riêng" nhưng cũng được "công hữu hóa", chuyền tay nhau đọc đến thuộc lòng). Chính sự thiếu thốn tinh thần, vật chất trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khốc liệt đã thôi thúc chúng tôi tích cực xuống đơn vị làm phóng sự. Từ thực tiễn cuộc sống chiến đấu, nhiều hình ảnh, nhiều tấm gương cảm động được đưa vào bài viết hấp dẫn người đọc và họ sẵn sàng bỏ qua cho sự "non tay" về nghiệp vụ của chúng tôi.


Năm 1969, "Trường Sơn gang thép" được nâng cấp, trang bị máy in ty-pô, có bộ phận sắp chữ để in tại chỗ và đổi tên thành báo "Trường Sơn". Một cán bộ tuyên huấn được điều động về làm Tổng biên tập, đó là Đại úy Trần Trọng. Sau đó cấp trên điều động thêm Lê Đình Hy, Phạm Minh Lợi, Nguyễn Khắc Thiệu về làm phóng viên. Tờ Trường Sơn số thử nghiệm in tại chiến trường khiến mọi người xuýt xoa thán phục vì tờ báo đã "ra dáng" hơn. Mặc dù vẫn in thủ công, kéo máy bằng tay nhưng đã có khả năng in ảnh. Với vốn kiến thức nhiếp ảnh tự có, tôi mạnh dạn đề đạt nguyện vọng với Trung tá Trưởng phòng tuyên huấn Hoàng Long về việc lập thêm tổ phóng viên ảnh và xin ra Hà Nội một tuần để bổ túc nghiệp vụ.


Sau Tết Mậu Thân 1968, cục diện chiến trường cũng như tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có sự thay đổi lớn. Chiến trường cần thêm nhiều quân, càng cần nhiều vũ khí đạn dược, cần nhiều lương thực để nuôi quân ăn no đánh thắng. Nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ngày càng trở nên quan trọng và nặng nề. Hoạt động văn hóa văn nghệ và báo chí ở chiến trường càng trở nên quan trọng và cần thiết.


Bộ Tư lệnh 500 (Bộ Tư lệnh tiền phương) sáp nhập vào Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh đường Hồ Chí Minh, do Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh, Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân Đặng Tính làm Chính ủy. Một đội ngũ phóng viên báo chí và văn nghệ sĩ được tăng cường như Trung tá Lục Văn Thao (phóng viên báo QĐND) được điều vào làm Tổng biên tập, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhạc sĩ Trịnh Quý, họa sĩ Hoàng Đình Tài và phóng viên nhiếp ảnh Vương Khánh Hồng... Vậy là, ngoài hai họa sĩ Minh Đỉnh, Đức Dụ, báo Trường Sơn đã được tăng cường thêm đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ (và khá nổi tiếng) vào làm nhiệm vụ ghi chép, tái hiện cuộc sống, chiến đấu và lao động trên tuyến đường Hồ Chí Minh, từ đó hình thành nên những tác phẩm mang tính thời đại, điển hình như chùm thơ "Lửa đèn", "Gửi em, cô thanh niên xung phong", "Tiếng bom ở Seng Phan", "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật - giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; như tiểu thuyết "Mở rừng" của nhà văn Lê Lựu... và đương nhiên tờ báo Trường Sơn càng khởi sắc với những tên tuổi mới, giành được nhiều cảm tình của bạn đọc.


Tôi và Vương Khánh Hồng sau mỗi lần xuống các đơn vị viết bài, chụp ảnh lại tự in tráng phim, phóng ảnh tại chỗ để triển lãm. Năm 1972, ngoài triển lãm, một số ấn phẩm như bưu ảnh Trường Sơn, ảnh tranh tờ rời được đưa ra Hà Nội in tại nhà máy in hiện đại nhất Việt Nam thời bấy giờ là Nhà máy In Tiến bộ. Những tập bưu ảnh, tờ rời đến tay các chiến sĩ, được dán ở vách hầm, trong kho hàng, trong ca-bin xe... đã cải thiện đời sống tinh thần cho bộ đội.


Đất nước đã hòa bình, thống nhất và đổi mới từng ngày. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng con đường huyền thoại và tờ báo mang tên nó vẫn còn mãi trong tâm thức những người đã sống, chiến đấu trên tuyến đường trong những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn mãi trong tâm thức và tác phẩm của chúng tôi, những nhà báo, văn nghệ sĩ một thời mặc áo lính.


Hoàng Kim Đáng


Sunday, May 31, 2009

Điện thoại liên lạc tìm mộ liệt sĩ ở tỉnh Quảng Bình

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình: 052-3822422.
Ban chính sách Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình: 069-785148.

Hàng năm đoàn 589 tổ chức qui tập mộ liệt sĩ ở Lào, trong đó có tỉnh Khăm Muộn.

Dư âm xúc động của 'Âm vang Trường Sơn'


“Chưa bao giờ tôi được xem một cầu truyền hình nào hay như thế. Lần đầu tiên, những người chiến sĩ đường ống xăng dầu chúng tôi được vinh danh” - Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu nhận xét về chương trình cầu truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Hà Nội, phát sóng vào ngày 17/5.

>
Cầu truyền hình trực tiếp 'Âm vang Trường Sơn'


Nhà báo Ngô Thanh phỏng vấn khách mời tại điểm cầu Hà Nội - Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyen Nguyen.

Theo người từng viết sử về đường ống huyền thoại này thì xăng dầu là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì con đường huyết mạch Trường Sơn. Tuy nhiên, những chương trình trước đây đã quên nhắc về sự hy sinh thầm lặng của bộ đội đường ống. Trước khi có đường ống, họ phải dùng nilông đựng xăng, cho vào balô để vận chuyển. Nhiều người do nilông thủng, xăng tưới ướt người, giữa rừng không có nước tắm, đã nhiễm chì mà chết.

Đây không phải là câu chuyện đặc biệt nhất. Khán giả xem “Âm vang Trường Sơn” còn được nghe những dung dị, chân thật được thuật lại từ những nhân chứng lịch sử. Sư Thích Đàm Đoán, người nữ thanh niên xung phong năm xưa với di chứng còn lại của chiến tranh: một cơ thể nhiễm chất độc dioxin và mảnh đạn trong đầu. Không ít lần sư Đoán bị lên cơn co giật, cách đây không lâu, bà bị ngất xỉu do vết thương tái phát khi lên bục nhận quà nhân ngày bộ đội Trường Sơn. Cô Phạm Thị Phàn, thành viên tiểu đội nữ lái ôtô Trường Sơn, thời con gái chỉ nặng 42 cân, phải đệm hai chiếc bi đông nước sau lưng mới với tới được chân ga, chân phanh. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Trọng Khoát làm thơ trên đường khiêng võng người bạn gái bị thương tới trạm xá với những câu thấm đẫm tâm trạng đau đớn: “Trời khô đường nắng chang chang / Võng thưa máu giọt ấm bàn chân anh / Lối vào trạm xá loanh quanh / Em ơi đừng vĩnh biệt anh dọc đường” sau được đựng trong lọ Penicillin chôn cùng mộ liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ. Trải qua hàng mấy chục năm, có người nhặt được ở cửa sông đã tìm đến tận nhà đưa cho ông…

Ca sĩ Lan Anh - Tấn Minh trong "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây". Ảnh: Nguyen Nguyen.

Bà Nguyễn Thị Nhài, nữ thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa, không khỏi bùi ngùi khi theo dõi chương trình: “Tôi như sống lại những năm tháng bi hùng của dân tộc, nhớ về những người bạn tôi quen, những người đồng chí tôi chưa từng biết mặt đã ngã xuống trên cánh rừng đại ngàn. Con cháu tôi không trải qua giai đoạn lịch sử này nhưng cũng không cầm nổi nước mắt khi xem clip Đồng đội ơi do ca sĩ Tấn Minh hát với sự có mặt của 50 cựu chiến binh thắp 500 ngọn nến tưởng nhớ đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn trong phần cuối chương trình”.

Để thực hiện một cầu truyền hình lấy được nước mắt người xem, thu hút khán giả trẻ, Đài Truyền hình Hà Nội đã huy động một lượng lớn nhân lực, vật lực tại năm điểm cầu: Hà Nội - Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Hà Đông); Quảng Trị - sân bay Tà Cơn (Khe Sanh, Hướng Hoá); Bình Phước - Nhà giao tế huyện Lộc Ninh; Kon Tum - ngã ba Đông Dương (huyện Ngọc Hồi); Savanakhet - Buôn Latho (Lào). Áp lực của những người làm chương trình rất lớn do “Âm vang Trường Sơn” chung chủ đề nhưng thực hiện sau Đài Truyền hình Việt Nam 1 tháng, không tránh khỏi việc khán giả lấy chương trình của VTV làm tham chiếu. Chương trình VTV thực hiện tại một điểm cầu với sân khấu hoành tráng, trong khi Đài Hà Nội gồng mình với bốn điểm cầu trong nước và một điểm cầu tại nước bạn Lào, sử dụng bối cảnh thực và luân chuyển liên tục. "Đây là cầu truyền hình đầu tiên do Đài thực hiện có sự kết nối với một điểm cầu ở nước ngoài", ông Trần Gia Thái - Giám đốc, Tổng biên tập Đài truyền hình Hà Nội, người chỉ đạo nội dung chương trình - cho biết.

Kinh phí thực hiện chương trình chỉ hơn 1 tỷ đồng, ngoài dàn dựng, chủ yếu để trả cho những đài bạn cùng hợp tác còn nhân viên đài cố gắng "bóp mồm bóp miệng". Riêng để viết kịch bản cho chương trình này, nhà báo Ngô Thanh đã dành 27 ngày rong ruổi dọc Trường Sơn, đi tổng quãng đường dài 7.000 cây số. Bà Trịnh Phương Mai, Trưởng ban Thể thao - Giải trí Đài Hà Nội, thốt lên rằng: “Chưa bao giờ Đài làm một chương trình nào khó khăn như thế”.

Trong quá trình làm "Âm vang Trường Sơn", những người thực hiện đều tâm niệm đây là chương trình tưởng niệm công ơn các chiến sĩ Trường Sơn và tin linh hồn những người lính ngã xuống nơi đây đã phù hộ cho họ. Khi điểm cầu Kon Tum - ngã ba Đông Dương chuẩn bị lên sóng thì trời đổ mưa như trút. Biên tập viên vào đài tưởng niệm Play-cần thắp hương, chưa khấn xong thì trời tạnh. Một tin vui nữa cho các biên tập viên Đài Hà Nội: Sáng 18/5, một người phụ nữ gọi điện đến Đài thông báo là người nhà của liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ, xin số của bác Nguyễn Trọng Khoát để báo với bác, gia đình đã tìm được mộ chị. Đây là niềm vui đến chỉ sau một đêm khi vị đại tá, nhà thơ lên truyền hình kể câu chuyện về người đồng đội và cho biết: “Điều ân hận lớn nhất đời tôi là không tìm được mộ cho Huệ”.

Ngọc Trần

Nguồn: VnExpress (Thứ ba, 19/5/2009, 14:21 GMT+7)

Phóng viên Ngọc Trần (tên thật là Trâm) cho biết: Thông tin tìm được mộ do anh Ngô Thanh Đài TH Hà Nội cung cấp. Anh Ngô Thanh nói là có thể nhầm lẫn tên liệt sĩ. Theo anh Ngô Thanh, người gọi điện đến đài truyền hình Hà Nội xin số điện thoại của ông Trọng Khoát và nói gia đình đã tìm được mộ (đây là chỗ có thể có nhầm lẫn tên liệt sĩ - theo anh Ngô Thanh). Ông Trọng Khoát nói: có người gọi đến cho ông sau chương trình này nhưng không nói gì đến chuyện tìm được mộ. Người gọi đến chỉ hỏi thăm, chúc mừng ông Khoát lên chương trình, nhận là bạn học cùng bà Huệ ở trường Hoa Lư và cùng đi thanh niên xung phong.

Đúng là tam sao thất bản!

Đến 12h44 ngày 1/6/2009 VnExpress đã bỏ đoạn bôi đỏ đi sau khi có thông tin phản hồi từ gia đình LS Phạm Thị Ngọc Huệ (chưa tìm được mộ).


Những người làm tờ báo đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn

Trang bìa báo Trường Sơn năm 1974.

Trường Sơn là tờ báo duy nhất của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Hoạt động ngay trên chiến tuyến, nên câu chuyện làm báo của những phóng viên báo Trường Sơn là những câu chuyện có một không hai.


Những phóng viên của tờ Trường Sơn năm xưa có người đã hy sinh ngay trên chiến trường, có người vừa mới ra đi vì tuổi cao sức yếu, cũng có người còn sống và thành đạt, nhưng tất cả đều tự hào về những năm tháng làm báo ở chiến trường.

Tờ báo nơi đầu tuyến lửa

Đại tá Lục Văn Thao, Tổng Biên tập duy nhất của báo Trường Sơn bây giờ đã ngoài 80 tuổi. Ông vẫn còn giữ hai số báo của tờ Trường Sơn và như là một thứ kỉ niệm nhắc nhở về một thời làm báo đầy kỳ tích ở chiến trường.

Những năm 1965 - 1966, ấn phẩm báo chí đầu tiên của Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra đời, mang tên "Hoa thắm Trường Sơn", sau một thời gian thì đổi thành tờ "Trường Sơn gang thép". Lúc này tờ báo đăng tải những thông tin đơn thuần về hoạt động của bộ đội trên khắp dải Trường Sơn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng - một trong những phóng viên gắn bó với tờ báo từ những ngày đầu nhớ lại: "Ở tờ “Trường Sơn gang thép” hồi đó ngoài tôi ra còn có đồng chí Cao Cân và cô Phạm Thị Ngọc Huệ. Tờ báo chẳng có Tổng biên tập hay Thư kí toà soạn. Cả ba chúng tôi đều phải kiêm trách nhiệm của cả phóng viên và biên tập viên".

Toà soạn của báo hồi đó chỉ có một cái lán trại nhỏ và một cái hầm tránh đạn, nhưng địa điểm thì liên tục thay đổi tuỳ theo yêu cầu của cuộc chiến và để tránh những cuộc tấn công của địch. Không có phương tiện kỹ thuật để in ảnh, phóng viên của báo phải viết bài và vẽ minh họa trên giấy nến rồi mới đem đi in. Nhưng trong thời kỳ đó, dù không ra được định kỳ, tờ "Trường Sơn gang thép" vẫn xuất bản khá đều đặn 1 - 2 số báo/tháng với số lượng hơn 1.000 bản để phát đến cấp đại đội, cung cấp thông tin quý giá cho những người lính nơi tuyến lửa.

Phải đến tận năm 1969, khi báo "Trường Sơn gang thép" đổi tên thành báo "Trường Sơn", tờ báo mới bắt đầu được in tipô. Nhà báo Lục Văn Thao (khi ấy là Trưởng phòng Quân sự báo Quân đội nhân dân tăng cường cho Trường Sơn) trở thành Tổng biên tập đầu tiên và cũng là duy nhất của báo Trường Sơn.

Ông nhớ lại: "Tờ báo Trường Sơn của chúng tôi đã ba lần thay tên và mỗi lần đổi tên là một lần nó được lột xác. Phóng viên của báo chỉ hơn 10 người nhưng luôn túc trực ở những cao điểm nóng như trọng điểm ATP, đỉnh Xeng Phan... Từ một tờ tin nội bộ, báo Trường Sơn đã phát triển thành một tờ báo đúng nghĩa, với lượng thông tin dồi dào, trở thành tờ báo được yêu thích nhất ở chiến trường".

Từ năm 1969 đến 1975, trung bình mỗi số tờ Trường Sơn in 5.000 bản, cấp phát đến cho từng đơn vị. Những người lái xe tại Trường Sơn nghiễm nhiên trở thành những "tình nguyện viên" phát báo. Những bịch báo được ném dọc hai bên đường đi để cho bộ đội hành quân tự mang về đơn vị. Bất kể điều kiện làm báo thời chiến có thiếu thốn, báo Trường Sơn vẫn thực sự được các chiến sĩ yêu quý. Ông Thao tự hào nói: "Nhiều tờ báo được chiến sĩ truyền nhau đọc đi đọc lại đến nát cả ra. Nhiều chuyên mục hay như tấm gương người lính trong chiến đấu, các tác phẩm thơ văn đã trở thành chuyên mục yêu thích của người lính”.

Những người làm báo nơi chiến trường

Tham gia xây dựng báo Trường Sơn ngày ấy có nhiều cây bút tên tuổi như nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu, nhà báo Như Phong... Họ đều là những cây bút được các chiến sĩ yêu thích.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, có những nhà báo của tờ Trường Sơn đã nằm lại mãi ở chiến trường. Những người từng công tác ở báo Trường Sơn vẫn tiếc nuối cho sự ra đi của nữ phóng viên Phạm Thị Ngọc Huệ. Là một cô gái thông minh và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, chị bỏ giảng đường đại học, viết thư bằng máu để tình nguyện đến chiến trường.

Chân dung phóng viên - liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ.

Hồi ấy, Ngọc Huệ là bông hoa đẹp nhất của núi rừng Trường Sơn, không chỉ thế, chị còn hát rất hay và có khả năng chơi cờ vào bậc cao thủ. Trong những ván cờ, chị đã từng đánh bại cả chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và những chuyên gia Trung Quốc vốn nổi tiếng cao cờ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đi thực tế ở chiến trường đã phải thốt lên rằng: "Chưa gặp Ngọc Huệ là chưa hiểu hết về Trường Sơn".

Là phóng viên nữ duy nhất của báo Trường Sơn, chị được tất cả các đơn vị bộ đội yêu quý, chào đón. Chị còn được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhận làm con nuôi. Trong một lần đi tác nghiệp cùng với đoàn văn nghệ ở đèo Pú Khao (thuộc tỉnh Khăm Muộn - Lào), chị đã bị vướng mìn và hi sinh do mất quá nhiều máu. Chị được an táng ngay tại chiến trường Lào, nhưng tiếc là đến nay, dù không ít lần bỏ công tìm kiếm, đồng đội vẫn chưa thể tìm thấy mộ chị.

Thế hệ những người làm báo Trường Sơn cách đây 40 năm đều đã trở thành những nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hoàng Kim Đáng từng giữ chức Phó tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và thành công với tác phẩm "Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật được biết đến với những bài thơ "Tiểu đội xe không kính", "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây", "Trên đỉnh Xeng Phan"... Nhà văn Lê Lựu đã có một gia tài cả chục tiểu tuyết viết về Trường Sơn. Hoàng Đình Tài, Đức Dục trở thành những họa sĩ có tên tuổi. Nhưng bất kể theo đuổi con đường nào, trái tim họ vẫn luôn hướng về những năm tháng làm báo khó quên ở Trường Sơn.

Sunday, May 17, 2009

Nhớ lắm Trường Sơn ơi! 1:30, 11/12/2008


Đại tá, nhà thơ Trọng Khoát sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Nam Đàn, Nghệ An. Thuở nhỏ, Nguyễn Trọng Khoát học trường Tây, mười tám tuổi đã xung phong đi bộ đội. Năm 1950, ông vào học Sỹ quan Lục quân khóa 6 Trung Bộ. Tốt nghiệp ra trường được phân công làm cán bộ quân báo của Bộ tổng tham mưu, đi vào vùng địch hậu...

Văn công đến hát bên mâm pháo
Xạ thủ ngồi nghe, mắt ngưỡng thiên
Tai hướng bài ca, tai trực chiến
Giữa hai trận đánh phút bình yên.

(Thơ viết về Trường Sơn)

Trong tập thơ viết ở Trường Sơn của Nguyễn Trọng Khoát in năm 1997, lời mở đầu, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết rằng: "Tuyến đường vận tải mang tên Bác Hồ vĩ đại không chỉ có các binh chủng và các phương tiện thuần túy quân sự mà thực sự còn có một binh chủng đặc biệt - Binh chủng văn học nghệ thuật. Nếu không có Trường Sơn, không sinh ra được những tên tuổi sáng chói… và cả tôi cũng vậy, nếu không có Trường Sơn chắc không có thơ Phạm Tiến Duật. Trường hợp Nguyễn Trọng Khoát là một trường hợp đặc biệt. Anh nổi tiếng trước tôi, trước Lê Lựu và những bạn bè khác của tôi. Anh thuộc thế hệ Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Duy Khán và những người khác.

Nhưng cuộc đời không dành cho anh những ưu ái với nghề mà anh yêu. Anh phải lao vào cuộc chiến mà không còn chút thì giờ nào cho phép anh được sửa soạn. Và chính anh cũng hồn nhiên đến mức không tự lo gì cho chính mình: Tất cả là dành cho đời, cho người. Cho tận mấy chục năm hòa bình, tập thơ viết ở Trường Sơn mới được in ra…".

Đại tá, nhà thơ Trọng Khoát sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Nam Đàn, Nghệ An. Chú của ông chính là ông Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn - từng là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đầu tiên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an) và cậu ruột là ông Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên - Chủ tịch Xôviết Nghệ Tĩnh từng bị Pháp đày đi tù và hy sinh tại Lao Bảo năm 1932. Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần cách mạng từ gia đình.

Thuở nhỏ, Nguyễn Trọng Khoát học trường Tây, mười tám tuổi đã xung phong đi bộ đội. Năm 1950, ông vào học Sỹ quan Lục quân khóa 6 Trung Bộ. Tốt nghiệp ra trường được phân công làm cán bộ quân báo của Bộ tổng tham mưu, đi vào vùng địch hậu.

Năm 1953, là chiến sỹ vô tuyến điện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, ông đã có một án kỷ luật nhớ đời. Số là một lần, ông đã dịch sai một bức điện mật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Địch giội bom xuống Nà Sản, ta không kịp trở tay, nên thương vong rất nhiều. Sau sai sót ấy, Nguyễn Trọng Khoát phải về nhận án kỷ luật.

Bản thân ông trong trận ném bom ấy cũng bị thương nặng ở đầu, bị kênh hộp sọ, lòi cả xương sọ ra. Thế nhưng, tuổi trẻ với sức sống mãnh liệt đã cứu ông thoát khỏi cái chết. Do bị thương nên án kỷ luật coi như được xóa, nhưng ông không được hưởng chế độ thương binh do phạm sai lầm nghiêm trọng trong công tác. Sau đó, ông được cấp trên cho đi học tập để rèn luyện thêm về tư tưởng và bản lĩnh chiến đấu.

Năm 1954, ông về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Cuối năm 1954, ông được biệt phái đi làm công tác ở nông thôn 2 năm để tiếp tục rèn luyện và thử thách, như làm công tác cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên, chống đói ở Bắc Giang, phát động giảm tô ở Vĩnh Phúc.

Năm 1964, ông được về phụ trách Chủ nhiệm giáo viên văn hóa, trợ lý chính trị tại Trường Sỹ quan Lục quân I. Thời gian này, ông tốt nghiệp thủ khoa một lớp tại chức tiếng Nga. Lúc này, tên tuổi Trọng Khoát đã được biết đến với vai trò là một nhà thơ với những bài thơ chống Pháp, chống Mỹ khá nổi in trên báo chí.

Tháng 5/1965, Nguyễn Trọng Khoát được lệnh tham gia Binh đoàn Trường Sơn hoạt động ở tuyến Nam Lào với vai trò là trợ lý văn hóa văn nghệ. Ngay cả lý do vào Trường Sơn cũng thật hồn nhiên và khác thường! Do đỗ thủ khoa lớp tiếng Nga, Trọng Khoát đề đạt nguyện vọng được đi nước ngoài học tập. Ngay sau đó, đơn vị cho ông sang Lào tham gia tuyến đường Trường Sơn.

Trưởng ban cán bộ nhà trường chỉ huy giải thích: "Lào cũng là nước ngoài, đồng chí vừa thỏa mãn nguyện vọng được đi nước ngoài, vừa được tham gia tuyến đường Trường Sơn!". Một lần nữa, Trọng Khoát lại vác ba lô lên vai, hồn nhiên bước vào cuộc chiến chống Mỹ, tham gia chiến trường ác liệt nhất ở tuyến Nam Lào.

Thời gian này, đường Trường Sơn bắt đầu có xe cơ giới. Tuyến chi viện chiến lược chuyển sang phía Tây trên đất bạn Lào. Khi đó bộ đội vẫn còn bị ám ảnh bởi phương châm hoạt động: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", cho nên đời sống văn hóa gần như không có gì. Khi đó khái niệm công tác văn hóa chỉ là dạy văn hóa.

Nguyễn Trong Khoát đã vào Trường Sơn và chuyển hướng vừa dạy văn hóa vừa đưa văn hóa văn nghệ vào đời sống tinh thần của bộ đội. Lúc này Trường Sơn đang là mùa lũ lớn của thượng nguồn sông Xê Băng Hiên, Xê Kông nên bộ đội gặp trận đói lịch sử. Bộ Tư lệnh Trường Sơn vừa được bổ sung 5 đại đội pháo cao xạ 12 ly 7.

Trước tình hình đó, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm nói: "Văn nghệ bây giờ chưa cần, pháo cũng chưa cần" và ông giao cho Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trọng Khoát cùng Chính trị viên Lê Hồ chỉ huy 5 đại đội pháo cao xạ mỗi người gùi 50 kg lương thực và nhu yếu phẩm, thuốc men để đi cứu đói cho các công trường. 5 đại đội đi đến đâu, mang lương thực, nhu yếu phẩm cứu đói cho thanh niên xung phong ở các công trường và không quên cất cao lời ca tiếng hát “át tiếng bom, át cái đói rét”. Nhưng đây cũng chính là giai đoạn ám ảnh trong ký ức của Trọng Khoát nhiều nhất về sự gian khổ của lính Trường Sơn.

Đi vào sâu Trường Sơn, đến những đại đội thanh niên xung phong làm đường phần đông là con gái. Họ bị đói giữa rừng sâu quá lâu, nhu yếu phẩm cho con gái lại không có, cái đói và sốt rét rừng Trường Sơn đã làm cho nhiều chị em ốm o, gầy mòn, rụng hết tóc, không có hành kinh, sốt la liệt trong rừng. Có những anh nuôi thương con gái đói quá, mò vào rừng đi đào củ mài, sập bẫy chông của dân bản, suýt chết.

5 đại đội pháo cao xạ do Trọng Khoát chỉ huy đã tiếp tế đủ 15 tấn hàng lương thực nhu yếu phẩm cho 3 công trường để cứu đói và chữa bệnh tật. Trên đường rút quân ra, 5 đại đội do ông chỉ huy được lệnh chặt cây làm đường cho xe vượt qua các bãi lầy thay cho ý tưởng làm đường "sàn đạo" cho xe đi qua 4 mùa vì gặp mưa lầy nên không thực hiện được.

Thời điểm đó, rải rác khắp dọc tuyến đường từ Pha Nốp vào Xeng Phan là đoạn đường lầy 45km có các tổ xe "Ngọn đèn xanh" của Tổng cục Hậu cần từ Bắc đi thẳng vào Nam Trường Sơn tiếp tế cho Khu 5 thì mắc lũ. Lũ kéo dài gần 3 tuần lễ. Đoàn xe bị chia cắt.

Ông còn nhớ mãi một người lái xe tên Toàn trông 1 cái xe chất đầy 2,5 tấn gạo. Do bị lũ phải dừng lại giữa rừng. Bầy khỉ luôn tấn công, cướp gạo, nên anh phải canh chừng ngày đêm. Khẩu phần cá nhân anh đã ăn hết sau những ngày đợi lũ rút. Đói quá, anh đi đào củ mài trong rừng sâu. Anh đã bị ngất bên hố khoai mài, được bà con dân bản phát hiện cứu sống. Dù có phải chết đói, những người lính lái xe chở đầy những xe gạo cho tiền tuyến quyết không đụng chạm đến một hạt gạo của chiến trường.

Đường cho xe qua bãi lầy dự kiến làm trong 20 ngày nhưng chỉ mới 12 ngày đã hoàn thành. 5 đại đội pháo rút quân ra. Trên đường hành quân một đồng chí đã bị bom hy sinh. Lần đó, Trọng Khoát cùng Đại đội trưởng Phan Văn Nhật suýt bị truy tố trước tòa án quân sự vì làm sai lệnh, dẫn đến thương vong lính. Song, xét những công trạng đã đạt được, cả Trọng Khoát và Đại đội trưởng Phan Văn Nhật được xoá án.

Tháng 12/1965, đồng chí Hồng Kỳ vào nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Chính trị của Mặt trận 559. Trọng Khoát được giao nhiệm vụ phát động phong trào văn nghệ quần chúng và lập tờ thông tin thi đua "Hoa thắm Trường Sơn" chuyên viết về gương thi đua. Ông vừa là thư ký tòa soạn kiêm biên tập, kiêm trình bày, minh họa (hiện tờ thông tin vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng Trường Sơn).

Cuối năm 1966, Trọng Khoát nhận nhiệm vụ đi vào Cực Nam của tuyến C4 - Biên giới Đông Campuchia cùng với đồng chí Hồng Kỳ. Ở mặt trận phía Nam, bộ đội không còn thiếu đói nữa nhưng sốt rét luôn hoành hành.

Trên đường Trường Sơn có những nấm mộ bộ đội do mối đùn lên. Đất Campuchia không có thủ tục chôn người. Anh em bị sốt rét hy sinh, phải đưa xuống thuyền mảng thả trôi sông xuống phía dưới mới được chôn cất. Bộ đội ta hồi ấy bị sốt rét ác tính, trước khi chết chỉ có một nguyện vọng là được chôn cất ở Hạ Lào.

Thời điểm này, có một đại đội xe con của Tiểu đoàn 61 chở gạo từ Bắc Campuchia ra Hạ Lào. Dọc đường đơn vị bị địch đánh trúng đội hình cháy 6 xe và hy sinh 12 đồng chí. Để tiếp tục cho 8 xe còn lại hành quân, đồng chí Chính trị viên đã phải tạm dấp lá mắc màn bạt giữa rừng tránh ruồi nhặng bâu quanh thi thể 12 anh em đã hy sinh nhưng chưa có điều kiện mai táng. Đến đêm, anh em mới quay trở lại nơi 12 người lính còn nằm dưới các đống lá ở gốc cây và cho mai táng giữa đêm khuya để tránh bị lộ. Sau này, không ai còn nhớ chính xác địa điểm mai táng để tìm được mộ phần, đưa hài cốt anh em về quê hương.

Binh chủng văn hóa văn nghệ trong thời gian tham gia tuyến đường Trường Sơn cũng có nhiều đồng chí bị hy sinh. Trọng Khoát đã có bài thơ xúc động viết về người đồng đội Ngọc Huệ hy sinh ở trọng điểm Phú Khao tháng 12/1969 trong lúc đang làm nhiệm vụ: Số phận của bài thơ này cũng rất kỳ lạ, ông đã viết nó và bỏ vào lọ thủy tinh cùng tên và địa chỉ liệt sỹ.

Tháng 6/1975, đoàn quy tập không tìm được hài cốt Huệ vì bom đạn đánh tan tành khu vực nghĩa trang. 20 năm sau, năm 1995, nhân một cuộc họp mặt, một chiến sỹ công binh ngày trước ở Trường Sơn đã nhặt được bài thơ này trên đường ra Bắc qua Phú Khao và mang trả lại cho chính tác giả trong nước mắt nghẹn ngào: "Nằm yên em nhé, ngủ ngon/ Để cho đầu cáng anh còn trở vai/ Đèo thì cao, dốc thì dài/ Vai đòn anh nghiến, phồng, chai, lại phồng/ Đau hơn là nỗi đau lòng/ Ghìm sâu tiếng nấc khỏi rung cánh đòn!/ Nằm yên em nhé ngủ ngon/ Máy bay giặc lượn anh còn ngụy trang/ Trời khô, đường nắng chang chang/ Võng thưa, máu giọt nóng bàn chân anh/ Lối vào trạm xá loanh quanh/ Em ơi đừng vĩnh biệt anh dọc đường/ Lời thương đồng đội, lời thương/ Những ai nằm lại chiến trường hôm nay".

Sau chiến tranh, Trọng Khoát về công tác ở Ban Ký sự lịch sử của Phòng sử - Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần. Trọng Khoát cho ra đời 3 tập thơ, một tập văn xuôi và 3 tập ký sự đầy đặn. Nhưng nổi bật nhất trong những sáng tác của ông có lẽ phải kể đến tập thơ "Thơ viết về Trường Sơn" và tập văn xuôi: "Kể chuyện 12 con giáp Trường Sơn". Thơ Trọng Khoát hóm hỉnh, lạc quan, nhưng có những bài đọc lên ứa nước mắt: "Trận địa chiều nay/ Pháo ngẩng cao đầu yên lặng/ Đạn đã lên nòng chờ lệnh bắn/ Có mũi dao nào cắm giữa trái tim ta/ Lê Xuân Kình đã hy sinh trên cáng/ Dẫu đường về trạm phẫu không xa/ Đời bộ đội tôi ít khi òa khóc/ Như chiều nay, nhìn tờ giấy thư anh/ Viết trên cáng từ máu loang tay ướt/ "Hãy trả thù cho tôi", chữ ký "Lê Kình"/ Anh lấy máu từ vết thương trên ngực/ Tấm bản đồ trận địa lót sau lưng/ Đồng đội cáng anh đâu biết được/ Có phút giây quằn quại trên đường...".

Cũng chính nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: "Tôi phải thú nhận rằng, nếu nói cho rõ về tuyến đường 559 thì Trọng Khoát mạnh hơn tôi nhiều. Tôi đã có hàng chục năm lăn lộn ở mặt trận và ghi nhận rằng, từ tướng lĩnh đến chiến sỹ đều thuộc thơ Trọng Khoát. Thơ anh đằm thắm, tinh tế và đặc biệt là sự hóm hỉnh. Tôi chỉ muốn nói với bạn đọc rằng từng dòng, từng chữ trong tập thơ này, nhà thơ Trọng Khoát đã viết không chỉ bằng mực mà còn bằng cả các trận bom, trận sốt rét dữ dằn của biết bao năm gian khổ. Hãy đừng quên Trường Sơn và vì thế, đừng bao giờ quên nhà thơ Trọng Khoát, nhà thơ đầy tâm huyết với tuyến đường Hồ Chí Minh"…

Dương Thục Anh

Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2008/12/52631.cand?Page=1


Quảng Bình: Tổ chức lễ an táng 78 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Lào

NDĐT - Ngày 7-5, tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ an táng 78 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Lào.

Đây là số hài cốt liệt sĩ do đội 589 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã quy tập tại tỉnh Khăm Muộn trong mùa khô năm 2008-2009.

Dự lễ an táng hài cốt các liệt sĩ có các đại diện: Lãnh đạo tỉnh Khăm Muộn (nước bạn Lào); Ban công tác đặc biệt của Chính phủ; Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ tư lệnh Quân khu 4 cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các cháu học sinh của huyện Bố Trạch.

Trong số này có 5 hài cốt liệt sĩ đã có danh tính cụ thể gồm : liệt sĩ Nguyễn Hữu Độ, ở xã Hải Chánh, Hải Lăng (Quảng Trị); Đỗ Văn Ngôn, ở xã Quang Trung, huyện An Lão (Hải Phòng); Trần Tất Thắng, ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá); Nguyễn Viết Quảng, ở phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh (Nghệ An) và Đặng Tất Thành (không rõ quê quán) .

Sau lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ giữa lãnh đạo hai tỉnh Khăm Muộn và Quảng Bình, những người tham dự lễ an táng đã đặt vòng hoa, dâng hương và tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.

THÀNH CHÂU
Nguồn: http://nhandan.org.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=147015

Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào - Chuyện chưa kể

SGGP:: Cập nhật ngày 20/07/2007 lúc 23:55'(GMT+7)

Đoàn 589 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình thành lập từ năm 1989 với mục đích tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh ở Lào. Trước năm 1999 đoàn chủ yếu khảo sát địa hình địa vật nơi có bộ đội hy sinh. Từ năm 1999 đến nay, Đoàn 589 cất bốc được 1.754 hài cốt liệt sĩ từ Lào về Việt Nam. Thượng Tá Trần Quang Lộc, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 589 đã dành riêng cho Báo SGGP câu chuyện đi tìm đồng đội thấm đẫm nhân văn.

Giấc mơ giải mã bế tắc

Hàng năm vào giữa và cuối mùa khô, Đoàn 589 lại tìm để đưa hài cốt liệt sĩ về quê mẹ.

Thượng tá Trần Quang Lộc, hiện chuyển về làm dân vận thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Trước đó, ông đã có 8 năm gắn bó với chức danh đoàn phó 589, rồi đoàn trưởng. Mùa khô năm 1999 ông bắt đầu cùng đồng đội cơm đùm gạo bới sang tỉnh Khăm Muộn-Lào tìm đồng đội.

Nước Lào vốn trùng điệp núi rừng, sau nhiều thập kỷ chiến tranh cây cối đã bạt ngàn, chứng tích cuộc chiến trở thành di sản nhưng ngày càng phai mờ theo thời gian. Người dân Lào tốt bụng chỉ vẽ đường đi lối lại, tuy nhiên người biết bộ đội Việt Nam hy sinh ở đâu, chôn cất ở đâu, ngày một hiếm dần vì người già dần mất đi.

Thượng tá Lộc kể rằng: “Một lần vào bản Na Bò, huyện Nhombalat, tỉnh Khăm Muộn, dân bản thông tin, khu vực thung lũng trước bản có hai ngôi mộ của bộ đội Việt Nam. Chúng tôi ở lại, đào tìm hơn hai tháng trời nhưng không có. Cuối cùng quyết định hành quân trở ra. Nhưng rồi cả đoàn quyết định ở lại, đào tiếp, hôm sau phát hiện hai bộ hài cốt.

Mọi chuyện mới tốt đẹp. Rồi một lần, dân bản Na Muồng, huyện Hin Bun-Khăm Muộn, bảo trong bản có một ngôi mộ của liệt sĩ Ba. Tuy nhiên người biết vị trí ngôi mộ đã qua đời, người ta chỉ truyền miệng lại là ngôi mộ nằm dưới gốc cây khò, mà cây khò ở đây nhiều vô kể. Chúng tôi đào mãi từ gốc cây khò này qua gốc cây khò khác nhưng không tìm thấy. Đào hàng tháng trời không hiệu quả gì, trong thâm tâm tôi nghĩ đến việc rút lui. Nhưng hôm sau không ngờ có một người già xuất hiện, cụ vốn gốc gác ở bản, di cư qua tỉnh Bôlykhămxay sinh sống, hôm đó về thăm quê, mọi người hỏi, cụ xác nhận và nói không phải ở mấy cây khò trong bản mà là bên gốc cây khò giữa ruộng.

Chúng tôi đào ba nhát cuốc thì xương đùi bật lên, đào tiếp thì cất bốc được hài cốt liệt sĩ Ba. Hết bản Na Muồng, đoàn hành quân qua bản Noọng Xay, dân bản chỉ nghĩa trang của bộ đội Việt Nam ở trên núi. Thế là mọi người vào tìm kiếm. Lúc đặt nhát cuốc đầu tiên, tôi thấy điều lạ, cái nghĩa trang này đã được cất bốc vì đất có nhiều vũng trũng. Mọi người quyết định không tìm kiếm, sáng mai lên đường đi địa phương khác. Nhưng sáng hôm sau, anh em trong đoàn quyết định ở lại, đào xới nơi chưa có dấu hiệu đào, một hài cốt liệt sĩ được cất bốc, theo đoàn lên xe trở về quê hương”.

Hang Khẳm Cặng: Nấm mồ của gần 200 liệt sĩ

Công việc quy tập hài cốt liệt sĩ của Đoàn 589 rất vất vả, phải trèo đèo, lội suối và thường vướng phải sốt rét.

Được người dân Khăm Muộn thông báo trong hang Khẳm Cặng có nhiều hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Thời gian đó vào năm 2000, Thượng tá Trần Quang Lộc hoạt động ở vùng khác nhưng ông rất trằn trọc nỗi niềm làm sao tiếp cận được các anh để đưa về đất mẹ. Ông nhiều lần xác định lại nguồn tin, đề nghị phía bạn giúp đỡ, mỗi năm qua Lào làm nhiệm vụ, ngoài công việc được giao ra, ông vẫn thu thập tài liệu về hang Khẳm Cặng tại bản Phạ Nang, huyện Mahaxay, tỉnh Khăm Muộn.

Mùa khô năm 2004-2005 với tư cách Đoàn trưởng Đoàn 589, ông đã cùng đồng đội khăn gói trở lại đất nước Lào, nơi có vô số làn điệu dân ca của các bộ tộc Lào bất hủ. Chuyến đi này với mục đích khai quật hang Khẳm Cặng để giải mã thông tin thu thập được. Cuộc tìm kiếm giữa rừng sâu núi thẳm, trong hang đá bắt đầu. Khi chuyến tìm kiếm bước qua ngày thứ hai thấy chưa có khả năng thành công, ông bắt đầu hoài nghi thông tin, nhưng một người Lào bản địa đã chỉ rõ, thời chống Mỹ, hang Khẳm Cặng bị đánh phá ác liệt, một buổi chiều máy bay trút bom như nước đã làm sập trần hang, vùi lấp rất nhiều bộ đội Việt Nam trong đó.

Niềm tin được khẳng định thêm, Thượng tá Lộc quyết định chuyển hướng tìm kiếm từ nền đất sang đào sâu dưới các hòn đá tảng. Mấy nhát đào đầu tiên phát hiện hài cốt, tiếp đó phát hiện quân trang, quân cụ, tiếp nữa là rất nhiều bộ hài cốt còn nguyên hình nguyên xương. Đoàn 589 khi khai quật hang Khẳm Cặng phải đào đá, những hòn đá tảng nặng hàng tấn đè lên thân xác đồng đội, trong điều kiện dụng cụ thô sơ, thiếu thốn, họ rất vất vả khi xoay chuyển tư thế, phải đào hình hàm ếch mới đưa được hài cốt đồng đội ra khỏi muôn vàn khối đá nặng trịch đè lên thân thể liệt sĩ mấy chục năm qua.

Tổng kết cuộc khai quật hang Khẳm Cặng, Đoàn 589 cất bốc được 185 bộ hài cốt liệt sĩ. Sau khi hài cốt được cất bốc, chính phủ Lào cho xây dựng tượng đài tưởng niệm các anh hùng hy sinh trong hang Khẳm Cặng như biểu tượng đời đời ghi lại tình hữu nghị gắn bó sắt son.

Cái buồn Cà Xen và nỗi niềm Cuôn Xà Nạp

Thượng tá Trần Quang Lộc thổ lộ, trong cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gian khổ này, có những lúc niềm vui lan đến mọi người nhưng cũng có khi cái buồn ẩn nghẹn cả mấy tháng đến hàng năm trời. Cái buồn ở hang Cà Xen trên đường 28A, tỉnh Khăm Muộn là một điển hình. Người ta bảo với ông, có 16 người hy sinh trong đó, cửa hang đã bị đánh sập.

Lúc đoàn đến, cảnh tượng trong hang đã bị đào bới lung tung. Dân bản nói hang bị cày xới do một nhóm người đào tìm phế liệu. Họ đào tơi tả để lấy đi quân trang, quân dụng, lấy xoong nồi bằng nhôm, để lại vương vãi muôn vàn mảnh xương liệt sĩ tung tóe khắp nơi. Thượng tá Lộc lúc đó vừa làm vừa khóc nghẹn, anh em cũng nước mắt đầm đìa vì đồng đội hy sinh rồi cũng không được yên... 16 bộ hài cốt trong hang Cà Xen được ông và binh sĩ đoàn 589 cẩn trọng thu lượm tỉ mỉ, cố không bỏ sót một mẩu xương nhỏ nào như cách chăm sóc chu đáo nhất để đưa các anh cùng về quê hương.

Hiện tại, tuy đã chuyển sang lĩnh vực khác nhưng Thượng tá Lộc vẫn đau đáu nỗi niềm là sau này, bất cứ lúc nào có cơ hội, ông sẽ trở lại nước bạn Lào, đến với hang Cuôn Xà Nạp, bản Văng Khôn, tỉnh Khăm Muộn. Ở đó ông đã nắm chắc nguồn tin, có một đại đội hy sinh trong hang, khoảng hơn 100 người. Tâm sự với tôi, Thượng tá Lộc cứ đau đáu khôn nguôi mong một ngày nào đó chính tay ông phải đưa được các anh trong hang đá Cuôn Xà Nạp cùng về Tổ quốc.

Minh Phong

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2007/7/111465/