9h30 ngày 30/5/2007: Đến binh đoàn 12 (Trường Sơn) gặp ông Tám nhưng ông đi công tác. Đến chiều quay lại. Điện thoại liên lạc: gọi đến số 8542573 (số tổng đài của binh đoàn) xin gặp ông Tám.
14h15 ngày 30/5/2007: Gặp ông Hoàng Phan Tám (Đại tá phó chủ nhiệm chính trị) tại binh đoàn Trường Sơn 475 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ông Tám đã tìm trong cuốn lịch sử của binh đoàn và cho biết tháng 1/1969, đoàn 559 đóng tại khu vực Na Hi, Ka Tốc thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào.
Về trường hợp hy sinh của bà Huệ, ông Tám đã gọi điện thoại cho một số đồng đội ở ban Tuyên huấn đoàn 559 để hỏi tin tức. Rất may là ông Tám đã nói chuyện với ông Nguyễn Trọng Khoát (Đại tá, nhà thơ). Ông Khoát (ĐT: 04-8515413) công tác cùng đơn vị với bà Huệ và biết tường tận về trường hợp hy sinh của bà Huệ.
15h30 ngày 30/5/2007: Gặp ông Khoát tại nhà riêng của ông ở P16, K15, tập thể Nam Đồng (tầng 2). Ông Khoát đã kể lại chi tiết trường hợp hy sinh của bà Huệ: Vào khoảng 11h-12h trưa ngày 19/12/1968, trên đường đi qua bản đèo Phú Khao, bản Na Bo (Na Tông, Ka Tốc thuộc tỉnh Khăm Muộn (Khammuane) của Lào) để biểu diễn văn nghệ bà Khánh Vân giẫm phải mìn, bị thương và được cứu sống. Theo ông Khoát, bà Khánh Vân hiện đang sống ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Bà Huệ bị thương vào ngực trái, bị mất rất nhiều máu, được đồng đội (trong đó có ông Khoát) cáng về viện 559. Đến khoảng 4h-5h chiều ngày 19/12/1968 bà Huệ hy sinh tại viện 559. Thông tin này khác với thông tin của gia đình bà Huệ (xem ở đây).
Ngày 20/12/1968 ông Khoát (khi đó là thượng úy) cùng các ông thiếu tá Hoàng Long, đại úy Hoàng Bá Thi, chuẩn úy Nguyễn Minh Đỉnh (sau này là đại tá, đã qua đời cách đây vài năm) và ông Minh (sau này công tác ở đài phát thanh Tây Nguyên - ông Khoát không nhớ họ) và các đồng đội khác đã mai táng bà Huệ ở viện 559. Khi làm lễ truy điệu, ông Long đọc điếu văn, ông Khoát đọc bài thơ do ông sáng tác. Bài thơ được đặt trong mộ bà Huệ. Ông Khoát đã xuất bản bài thơ này trong tập "Thơ viết ở Trường Sơn", Nhà Xuất Bản Thanh Niên, năm 1995. Ông đã chép tay lại bài thơ để gửi tặng gia đình bà Huệ.
Khi mai táng và chôn cất bà Huệ có chụp ảnh. Hiện chưa biết bức ảnh này ở đâu, nhưng ông Khoát có vẽ lại bức ảnh theo trí nhớ của ông. Bức ảnh này khác với bức ảnh viếng mộ đã đăng ở đây.
Đây là bức ảnh chụp sau khi mai táng bà Huệ do ông Khoát vẽ lại (nhấn vào ảnh để xem cỡ to). Ở giữa là ông Long (đọc điếu văn), ông Khoát đứng gần ngoài cùng bên phải).
Bài thơ đăng trong tập thơ của ông Khoát xuất bản năm 1995 (nhấn vào ảnh để xem cỡ to). Chú ý là sách in nhầm năm tháng 12 năm 1968 thành tháng 12 năm 1969.
Bài thơ do ông Khoát chép tay ngày 30/5/2007 (nhấn vào ảnh để xem cỡ to).
Tháng 3 và tháng 4 năm 1975, ông Khoát cùng đồng đội hai lần đi tìm hài cốt đồng đội để qui tụ về nghĩa trang Trường Sơn.
Lần đầu vào cuối tháng 3 năm 1975: Không tìm được. Lần thứ hai: tháng 4 năm 1975 đã tìm được mộ của các liệt sĩ Xoan, Hiện, Bảo, Lê Văn Khương và An ở Na Bo. Sau khi tìm được mộ của 5 liệt sĩ, đoàn qui tập tiếp tục đi theo một con suối và tìm được khu mộ của viện 559 ở gần suối, nhưng đã bị bom đánh sạt một nửa. Đoàn tìm được 4 ngôi mộ, trong đó 3 ngôi mộ không có mộ chí, một ngôi mộ có mảnh nhôm đục ghi N.T.V.L. Ông Khoát nói rằng đó là một của Liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu. Cả bốn ngôi mộ này đều thuộc đơn vị bộ tham mưu đoàn 559, được đặt trên đồi. Do đó không có mộ của bà Huệ trong ba ngôi mộ không có mộ chí. Khu vực mộ của ban Tuyên huấn, bộ tư lệnh đoàn 559 ở gần suối đã bị bom đánh sạt, hầu như không còn dấu vết gì.
Sau đợt đi tìm mộ này, ông Khoát có đăng tin tìm mộ liệt sĩ. Nhờ tin này, năm 1995 một chiến sĩ công binh (theo ông Khoát thì chiến sĩ này thuộc ban liên lạc bộ đội Trường Sơn của tỉnh Yên Bái, tên là Đinh hoặc Định) đã trả lại bài thơ trong mộ bà Huệ cho ông Khoát. Ông Đinh/Định đã nhặt được tờ giấy có bài thơ này trên đường đi ra Bắc qua đèo Phú Khao. Ông Khoát đang giữ bài thơ này nhưng chưa tìm thấy bài thơ ở chỗ nào trong nhà mình.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment