Saturday, April 16, 2011

Nhà báo- liệt sỹ Phạm Thị Ngọc Huệ: Trẻ mãi với Trường Sơn bất tử


Trước mắt tôi và đoàn cựu chiến binh, thung lũng Ka Tốc (Khăm Muộn- Lào) trải rộng, khoả lấp dần dấu tích tuyến đường Tây Trường Sơn huyền thoại và máu lửa. Chỉ còn hình ảnh cô phóng viên chiến trường Phạm Thị Ngọc Huệ ngời lên, lấp lánh mãi trên tượng đài Trường Sơn bất tử.

Tháng 5 - tháng truyền thống bộ đội Trường Sơn- tôi hăm hở theo đoàn cựu chiến binh quân y Trường Sơn thăm chiến trường xưa.

Từ cửa khẩu Cha Lo, Cổng Trời, một trong 6 cửa khẩu dọc hành lang tuyến vận tải vượt Tây Trường Sơn, xuôi theo đường 128 xuống Bản Đông, đường 9, tôi nôn nao, căng mắt dọi tìm dấu tích tuyến đường mòn mang tên Bác. Suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, để bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược cho miền Nam, gần 3 vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống.

Nhìn lên cao rực nắng, tôi bắt gặp núi Pu Khao lừng lững giữa trùng điệp sườn đông và tây Trường Sơn, bất chợt tâm trí dồn nén, thắt lại cùng lúc gương mặt thanh tú, cương nghị, sắc sảo của nhà báo, liệt sỹ Phạm Thị Ngọc Huệ hiện lên, sống động đến nao lòng.

Theo đồng nghiệp Nguyễn Trọng Khoát ở báo "Trường Sơn", vào khoảng 6 giờ sáng ngày 20/12/1971, trên đường vượt trọng điểm Ka Tốc, dưới đỉnh Pu Khao, cách cửa khẩu Lùm Bùm không xa, Phạm Thị Ngọc Huệ hy sinh bởi trái mìn vướng do máy bay Mỹ thả đêm trước. Di vật còn lại của Huệ là cuốn sổ ghi chép các khoản tiếp nhận quân nhu, trang phục đoàn công tác và tập bản thảo viết về điển hình trạm sửa chữa xe máy Trường Sơn. Tất cả đều nhuốm máu, nhiều trang không đọc được. Chiếc máy ảnh hiệu Canon mà Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tặng báo "Trường Sơn", Huệ mang bên mình cũng bay đâu mất. Các anh Mai Ngọc Liên ở Phòng Tuyên huấn, Nguyễn Trọng Khoát ở báo "Trường Sơn" cùng đội điều trị của Đoàn bộ đau xót đặt Huệ yên nghỉ tại khu vực địa đạo Ăng Khăm, bên cạnh mộ hai liệt sỹ văn công Trường Sơn hy sinh trước đó là Tuấn Ngọc và Đức Đa.

Những ai từng vượt Trường Sơn vào thời kỳ những năm 1965, 1966 mới thấm thía gian nan, cơ cực, sự sống- chết rất mỏng manh. Có người nói, vào Trường Sơn là phải chấp nhận thử thách nghiệt ngã "thiên tai đánh, Mỹ đánh, bệnh tật đánh, đói rách đánh…". Ấy vậy mà cô thanh niên xung phong Phạm Thị Ngọc Huệ lúc nào gương mặt cũng tươi rói, cười hát vô tư. Cùng với đại đội thanh niên xung phong Ninh Bình, trong đội hình 7.500 đội viên tham gia mở đường 20, nối đường 15A từ Phong Nha đi cửa khẩu Lùm Bùm, Phạm Thị Ngọc Huệ lúc nào cũng có mặt ở tuyến khó khăn nhất.

Sau ngày thông đường 20 Quyết Thắng, không chịu ở lại hậu phương, Huệ xin vào phân đội bảo đảm giao thông thuộc binh trạm 36… Nhận thấy Huệ có vốn văn hoá, năng nổ, Chính ủy Tam Anh, Binh trạm phó Vũ Ngọc Thông chuyển cô về ban hậu cần phụ trách tài vụ. Thế nhưng mặt đường khốc liệt vẫn hút Huệ ra với đồng đội. Nhiều trận bom vùi lấp, tứa máu tai, Huệ vẫn không nản.

Trong chuyến công tác xuống binh trạm 36, nhà báo Nguyễn Trọng Khoát, nhà báo Cao Cân đã phát hiện năng khiếu viết lách của Huệ. Hai anh cạy cục, nài nỉ xin chỉ huy binh trạm bằng được Phạm Thị Ngọc Huệ về báo "Trường Sơn", cơ quan tuyên truyền của Bộ tư lệnh binh đoàn Trường Sơn lúc bấy giờ.

Tờ báo "Trường Sơn", trước đó vài năm khi Phạm Thị Ngọc Huệ về làm phóng viên mặt trận còn là bản tin nội bộ in rô-nê-ô quay tay với tên gọi "Hoa Thắm Trường Sơn" rồi "Trường Sơn Gang Thép". Khi binh đoàn 559 lớn mạnh, được tuyên truyền công khai với mật danh "Đoàn vận tải quân sự Quang Trung", bản tin trở thành tờ báo khổ lớn hơn, in kỹ thuật ty-pô. Tờ báo in 2 màu, bốn trang với phong phú chuyên đề: thời sự, người tốt việc tốt, gương sáng dũng sỹ vận tải, dũng sỹ mở đường, phá bom, bắn máy bay… Và đến khi anh Lục Văn Thao, Trưởng phòng quân sự Báo Quân đội nhân dân vào làm Tổng biên tập thì tờ "Trường Sơn" có thêm chuyên trang văn hoá, văn nghệ, ảnh, tranh ký họa, minh họa.

Những tháng đầu về làm báo "Trường Sơn", Huệ được giao đi nhà in sửa lỗi từng bài viết, từng trang báo trước khi in. Cô xem đây là cách học viết báo hiệu quả và trưởng thành nhanh nhất. Báo in xong Huệ gói gém cẩn thận, gánh bộ ra tận trạm đón xe vận tải nhờ cánh lái xe chuyển vào tuyến trong, chuyển ra tuyến ngoài tới hầu hết các binh trạm, đơn vị độc lập. Nhiều chuyến xe vượt trọng điểm Tha Mê, Seng Phan, Pác Pha Năng bị đánh bom, chiến sỹ lái xe hy sinh, bị thương, gói báo thấm máu, ám khói đạn. Nghe kể chiến sỹ công binh, giao liên, lái xe, lính cao xạ, chiến sỹ bốc vác hàng tận La Hạp, Tà Xẻng háo hức đón đọc báo "Trường Sơn", Huệ rất hạnh phúc. Được phân công viết tin, bài, Huệ không chỉ đến binh trạm lấy tài liệu mà còn xông xáo ra tận trọng điểm, gặp gỡ những gương mặt anh hùng như chiến sỹ lái xe Lê Bá Kiệm, lái máy húc Vũ Tiến Đề, tiểu đoàn công binh 25. Cô còn tới tận trận địa Trung đoàn phòng không 224 ở Tha Mê, La Trọng, Khe Tang tường thuật sinh động những trận đánh tiêu diệt máy bay Mỹ.

Đồng nghiệp báo "Trường Sơn" kể lại: Chuẩn bị cho chiến dịch Tổng công kích vận tải hàng vào mặt trận mùa khô năm 1971- 1972, Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định tổ chức xuất quân vận chuyển khối lượng hàng lớn với đội hình Trung đoàn xe cơ giới, đưa hàng vào chiến trường Trị Thiên, bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Phạm Thị Ngọc Huệ theo sát đội văn công xung kích tới biểu diễn tại tiểu đoàn vận tải cơ giới 501, binh trạm 14. Trong chập choạng mờ tỏ cánh rừng buổi sáng, tốp diễn viên đi đầu đã chạm mìn vướng của Mỹ. Một mảnh gang quái ác xuyên đứt động mạch chủ của Huệ, cô tắt thở trên đường chuyển thương về trạm điều trị của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Huệ đã ngã xuống trên mảnh đất Khăm Muộn vào độ tuổi sung sức, đẹp đẽ nhất của người con gái với bao nhiêu khao khát, dự định cho ngày đất nước yên bình.

Đường Hồ Chí Minh 1/5/2010

Văn Hiền

Nguồn: http://baokinhteht.com.vn/home/20100623024646705_p0_c137/nha-baoliet-sy-pham-thi-ngoc-hue-tre-mai-voi-truong-son-bat-tu.htm