Tuesday, June 23, 2009

Chúng tôi làm báo Trường Sơn

21/06/2009 08:05
(HNM) - Trong cuốn "La Piste Hồ Chí Minh" (Đường mòn Hồ Chí Minh), tác giả Vangeirt đã gọi đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường dẫn đến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là "đường mòn".

Những cô gái mở đường.


Hình dáng ban đầu của nó đúng là đường mòn, thậm chí không có cả lối mòn vì trong chiến tranh bí mật các chiến sĩ vận tải phải tuân thủ nghiêm ngặt "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Nhưng khi con đường mòn ấy phát triển thành hệ thống đường giao thông cơ giới dài hàng nghìn kilômét với cả chục nghìn chiếc xe vận tải ngày ngày nối đuôi nhau ra tiền tuyến, được coi là một mặt trận trên tuyến đầu chống Mỹ, thì cần phải có một tờ báo phục vụ tại chỗ...


Đó là vào năm 1967, một tờ báo (thực chất là bản tin nội bộ) của bộ đội Đoàn 559 ra đời, mang tên "Trường Sơn gang thép", được in rô-nê-ô số lượng 500-700 bản chuyển đến từng đại đội và trung đội độc lập. Ban biên tập gồm có: Trung úy Cao Cân (phụ trách), tôi (HKĐ), Vĩnh Phúc (họa sĩ tự học) và cô gái trẻ xinh đẹp người Ninh Bình Phạm Thị Ngọc Huệ, từng thi đỗ đại học nhưng tình nguyện vào chiến trường (lính Trường Sơn phong cô là "Hoa hậu Trường Sơn"). Cả bốn người đều chưa qua đào tạo chính quy nghiệp vụ báo chí. Riêng tôi thuận lợi hơn nhờ đã viết một số bài đăng trên vài tờ báo Trung ương từ ngày còn học cấp II trường huyện. "Vốn liếng" eo hẹp vậy, nhưng thật bất ngờ khi báo "Trường Sơn gang thép" ra số đầu tiên đã phát hành đến các đơn vị trên toàn tuyến, có mặt tại các đơn vị xe, trận địa pháo, trạm giao liên, đến với bộ đội, thanh niên xung phong tại các trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Tòa soạn liên tiếp nhận được điện thoại hoan nghênh, khen ngợi...

Tờ báo được bộ đội, thanh niên xung phong chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát nhưng vẫn được lưu giữ trong cốp xe, trong ba lô để những lúc nghỉ ngơi mang ra đọc đi đọc lại. Có lẽ vì ở chiến trường thiếu đủ thứ: thiếu chè thuốc, thiếu thư của gia đình, nhất là thư người yêu (vốn là "của riêng" nhưng cũng được "công hữu hóa", chuyền tay nhau đọc đến thuộc lòng). Chính sự thiếu thốn tinh thần, vật chất trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khốc liệt đã thôi thúc chúng tôi tích cực xuống đơn vị làm phóng sự. Từ thực tiễn cuộc sống chiến đấu, nhiều hình ảnh, nhiều tấm gương cảm động được đưa vào bài viết hấp dẫn người đọc và họ sẵn sàng bỏ qua cho sự "non tay" về nghiệp vụ của chúng tôi.


Năm 1969, "Trường Sơn gang thép" được nâng cấp, trang bị máy in ty-pô, có bộ phận sắp chữ để in tại chỗ và đổi tên thành báo "Trường Sơn". Một cán bộ tuyên huấn được điều động về làm Tổng biên tập, đó là Đại úy Trần Trọng. Sau đó cấp trên điều động thêm Lê Đình Hy, Phạm Minh Lợi, Nguyễn Khắc Thiệu về làm phóng viên. Tờ Trường Sơn số thử nghiệm in tại chiến trường khiến mọi người xuýt xoa thán phục vì tờ báo đã "ra dáng" hơn. Mặc dù vẫn in thủ công, kéo máy bằng tay nhưng đã có khả năng in ảnh. Với vốn kiến thức nhiếp ảnh tự có, tôi mạnh dạn đề đạt nguyện vọng với Trung tá Trưởng phòng tuyên huấn Hoàng Long về việc lập thêm tổ phóng viên ảnh và xin ra Hà Nội một tuần để bổ túc nghiệp vụ.


Sau Tết Mậu Thân 1968, cục diện chiến trường cũng như tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có sự thay đổi lớn. Chiến trường cần thêm nhiều quân, càng cần nhiều vũ khí đạn dược, cần nhiều lương thực để nuôi quân ăn no đánh thắng. Nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ngày càng trở nên quan trọng và nặng nề. Hoạt động văn hóa văn nghệ và báo chí ở chiến trường càng trở nên quan trọng và cần thiết.


Bộ Tư lệnh 500 (Bộ Tư lệnh tiền phương) sáp nhập vào Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh đường Hồ Chí Minh, do Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh, Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân Đặng Tính làm Chính ủy. Một đội ngũ phóng viên báo chí và văn nghệ sĩ được tăng cường như Trung tá Lục Văn Thao (phóng viên báo QĐND) được điều vào làm Tổng biên tập, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhạc sĩ Trịnh Quý, họa sĩ Hoàng Đình Tài và phóng viên nhiếp ảnh Vương Khánh Hồng... Vậy là, ngoài hai họa sĩ Minh Đỉnh, Đức Dụ, báo Trường Sơn đã được tăng cường thêm đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ (và khá nổi tiếng) vào làm nhiệm vụ ghi chép, tái hiện cuộc sống, chiến đấu và lao động trên tuyến đường Hồ Chí Minh, từ đó hình thành nên những tác phẩm mang tính thời đại, điển hình như chùm thơ "Lửa đèn", "Gửi em, cô thanh niên xung phong", "Tiếng bom ở Seng Phan", "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật - giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; như tiểu thuyết "Mở rừng" của nhà văn Lê Lựu... và đương nhiên tờ báo Trường Sơn càng khởi sắc với những tên tuổi mới, giành được nhiều cảm tình của bạn đọc.


Tôi và Vương Khánh Hồng sau mỗi lần xuống các đơn vị viết bài, chụp ảnh lại tự in tráng phim, phóng ảnh tại chỗ để triển lãm. Năm 1972, ngoài triển lãm, một số ấn phẩm như bưu ảnh Trường Sơn, ảnh tranh tờ rời được đưa ra Hà Nội in tại nhà máy in hiện đại nhất Việt Nam thời bấy giờ là Nhà máy In Tiến bộ. Những tập bưu ảnh, tờ rời đến tay các chiến sĩ, được dán ở vách hầm, trong kho hàng, trong ca-bin xe... đã cải thiện đời sống tinh thần cho bộ đội.


Đất nước đã hòa bình, thống nhất và đổi mới từng ngày. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng con đường huyền thoại và tờ báo mang tên nó vẫn còn mãi trong tâm thức những người đã sống, chiến đấu trên tuyến đường trong những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn mãi trong tâm thức và tác phẩm của chúng tôi, những nhà báo, văn nghệ sĩ một thời mặc áo lính.


Hoàng Kim Đáng